Xin giới thiệu với bà con nông dân trồng tiêu về qui trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến Hồ Tiêu ở Chư Sê để tham khảo, vận dụng. Bài viết được Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA) phổ biến. Để bà con dễ dàng tiếp thu, Hồ Tiêu Chư Sê chia ra làm nhiều phần.
Qui trình kỹ thuật trồng Hồ Tiêu ở Chư Sê – Phần 1
Trồng mới trên cây trụ chết.
1.Yêu cầu đất đai 
Đất trồng tiêu cần được bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
- Dễ thoát nước, có độ dốc dưới 5%, không bị úng ngập.
- Tầng canh tác dày trên 100cm, mạch nước ngầm sâu hơn 2m.
- Đất giàu mùn, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, pHKCl từ 5 – 6.
2. Giống tiêu sử dụng và kỹ thuật nhân giống
2.1. Giống sử dụng: Giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu trung Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ.
2.2. Kỹ thuật nhân giống: Nhân giống bằng dây lươn và dây thân, hom giống cần đạt các tiêu chuẩn sau
-Hom tiêu dây lươn:  Hom dây lươn bánh tẻ có  3 – 4 đốt, cắt hết lá khi ươm. Dây lươn không sâu bệnh, lấy ở các vườn > 4 năm tuổi không có triệu chứng bệnh.
-Hom tiêu dây thân: Hom thân bánh tẻ khỏe mạnh, có 4 – 6 đốt, các đốt có rễ bám tốt. Hom được cắt vào các ngày tạnh ráo, trên các vườn tiêu 12 – 18 tháng hoặc từ các vườn nhân giống tiêu. Dây thân tiêu được cắt ở vị trí 25 – 30cm cách mặt đất. Loại bỏ phần ngọn dây còn non. Cắt tỉa bớt các lá cành trên hom ở các đốt vùi vào đất, chỉ giữ lại 1 – 2 cành ở các đốt trên mặt đất với số lá hạn chế để giảm bớt sự bốc hơi nước. Hom tiêu cắt xong đem ươm ngay là tốt. Nếu phải chuyển đi xa thì xếp các hom cẩn thận vào tấm đệm, tránh làm giập nát.
-Ươm trồng hom tiêu: Hom tiêu cắt xong ngâm trong dung dịch 2,4D 20 phần triệu (20 mg pha trong 1 lít nước) 20 phút, hoặc NAA 500 – 1000 mg/1lít nước hoặc IBA 50 – 55mg/1lít nước nhúng nhanh trong 5 giây kích thích tốt sự ra rễ. Sau đó ngâm toàn bộ hom trong dung dịch thuốc VibenC 50 BHN, pha với nồng độ 0,1% trong 30 phút để khử trùng. Sau khi xử lý xong đem ươm trồng như sau:
*Trồng thẳng ra vườn : Sau khi xử lí đem trồng trực tiếp ra vườn tiêu, che chắn kỹ lưỡng cũng đảm bảo tỷ lệ sống rất cao.
* Ươm trên líp cho đến khi ra rễ rồi đem trồng: đất lên líp phải tơi xốp, thoát nước tốt. Hom tiêu đặt xiên 45 0 cách nhau 5 – 7 cm, hàng cách hàng 10cm. Thường sau khi ươm 25 – 30 ngày hom tiêu bắt đầu ra rễ đã có thể đem trồng tốt. Ươm trên líp  không nên để quá lâu, hom tiêu mọc mầm, rễ ra dài khi nhổ đem đi trồng động rễ, ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây tiêu con.
* Ươm trong bầu: đất cho vào bầu phải là lớp đất mặt tốt, không có nguồn nấm gây hại. Trộn kỹ đất với phân chuồng, phân lân và tro dừa để tạo độ tơi xốp cần thiết.
Bầu ươm hom thân có kích thước 15  – 17 x  27 – 30cm, bầu ươm hom lươn có kích thước 12 x 22cm. Hàng lỗ thoát nước dưới cùng cách đáy bầu 2cm để thoát nước tốt. Hom lươn ươm 2 hom/bầu, còn hom thân có chỉ ươm 1 hom/bầu. Cây được ươm từ     4 – 5 tháng trong vườn ươm, có ít nhất 1 chồi mọc 5 – 6 lá trở lên mới đem trồng.
3. Trồng mới
3.1. Thời vụ trồng: Thời vụ bắt đầu vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô 2 – 2,5 tháng.
3.2. Mật độ khoảng cách:
- Trụ gỗ, trụ đúc bê tông trồng với khoảng cách 2 x 2,5 m hoặc 2,5 x 2,5 m, mật độ từ 1600 – 2000 trụ/ha tuỳ theo giống tiêu có tán rộng hay hẹp.
- Trụ gạch xây cao 3,5m có đường kính gốc trụ 70 – 100cm và đường kính đỉnh trụ 40 – 60cm: trồng với khoảng cách 3 x 3m, mật độ 1110 trụ/ha.
- Trụ sống như lồng mức, vông, keo dậu, gạo, cóc rừng ….trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m, mật độ 1600 trụ/ha. Trụ sống cây muồng đen trồng với khoảng cách rộng hơn: 3m x3m, mật độ 1100 trụ/ha.
Qui trình kỹ thuật trồng Hồ Tiêu ở Chư Sê – Phần 1
Trồng mới trên cây trụ sống.
3.3. Kỹ thuật trồng tiêu trên cây trụ chết:
- Đối với trụ đúc hoặc trụ gạch xây, việc dựng trụ thực hiện trước khi trồng tiêu khoảng 1 – 1,5 tháng để được các trận mưa to rửa sạch bớt hồ, vữa.
- Đào hố trồng tiêu:
* Đối với trụ đúc và trụ gỗ trồng 2 hom hay 2 bầu tiêu/trụ, có thể đào 1 – 2 hố/trụ để trồng.
* Đối với trụ gạch đào 6 – 7 hố chung quanh trụ, mép hố cách mép trụ 10 – 15cm. Hố được đào với kích thước 40x40x40cm để trồng 1 hom. Nếu trồng 2 hom/hố, kích thước hố đào là 40x80x40cm. Trộn đều đất mặt với 10 – 15kg phân chuồng, 0,2-0,5kg phân lân, 0,2 – 0,3kg vôi bột và lấp xuống hố. Xử lý đất trong hố trước khi trồng bằng 1 trong các loại thuốc như Confidor 100 SL 0,1%, 0,5 lít/hố hoặc Basudin 10 H,  20 – 30 g/hố. Việc trộn phân lấp hố và xử lý đất trong hố được thực hiện trước khi trồng tiêu trồng tiêu ít nhất là 15 ngày.
- Làm giàn che nắng và chắn gió: Trước khi trồng tiêu, làm giàn che phía trên và xung quanh bằng các vật liệu như lưới ni lông, lá dừa, cỏ v.v.. sao cho 70 – 80% ánh sáng tự nhiên đi qua.
- Kỹ thuật trồng:
* Nếu trồng bằng bầu, xé bầu tiêu nhẹ nhàng tránh vỡ bầu rồi móc hố trồng, đặt bầu vào giữa hố, đặt bầu hơi nghiêng, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất, không trồng âm. Lấp đất, dậm chặt đất chung quanh bầu.
* Trồng bằng hom dùng hom thân 5 mắt đã ươm ra rễ, đặt hom xiên với đất mặt 450, đầu hom hướng về phía trụ, chôn 3 mắt vào đất, chừa trên mặt đất 2 mắt, dậm chặt đất quanh hom. Trồng tiêu xong phải dùng vật liệu phù hợp như lá dừa, líp cỏ che bổ sung cho hom tiêu mới trồng.
* Sau 7 – 10 ngày trồng tiêu bằng bầu, 2 – 3 ngày trồng tiêu bằng hom thân nếu trời không mưa phải tưới nước cho dây tiêu.
* Trồng dặm kịp thời những dây tiêu bị chết và chấm dứt trồng dặm trước khi dứt mưa 1,5 – 2 tháng.
3.4. Kỹ thuật trồng tiêu trên cây trụ sống
- Cây trụ sống được trồng ngay vào đầu mùa mưa, làm cỏ bón phân thúc cẩn thận. Có thể trồng cây trụ sống 1 – 2 năm trước khi trồng tiêu.
- Trồng cây trụ tạm: trồng tiêu cùng năm với cây trụ sống bắt buộc phải trồng trụ tạm. Sau khi trồng trụ sống 2 – 3 tháng thì trồng tiêu. Cây trụ tạm được trồng cách cây trụ sống 15 – 20cm. Trụ tạm có đường kính 10 – 15cm, chiều cao tính từ mặt đất hơn 3m, chất lượng cây trụ tạm tương đối tốt để tiêu có thể leo bám trong vòng 2 – 3 năm trước khi cây trụ sống đủ lớn cho tiêu leo bám.
- Làm dàn che nắng và chắn gió: do cây trụ sống còn nhỏ, chưa có tác dụng che bóng, cần làm dàn che nắng và chắn gió tương tự tiêu trồng với cây trụ chết.
- Đào hố trồng tiêu: đào 1 hố hoặc 2 hố 2 bên cây trụ tạm, ở phía xa cây trụ sống, mép hố cách trụ tạm 10 – 15 cm, sao cho tâm hố là vị trí đặt bầu tiêu hay dây tiêu cách cây trụ sống từ 40 – 50cm. Các kỹ thuật về trộn phân lấp hố và trồng tiêu tương tự như tiêu trồng với cây trụ chết.
3.5. Trồng cây đai rừng, cây che bóng
Cây đai rừng: Tiêu trồng theo kiểu nông hộ, diện tích dưới 0,5 ha, chỉ cần trồng 1 hàng muồng đen ở đầu lô chắn hướng gió chính.
Cây che bóng :
- Tiêu trồng với cây trụ chết như trụ gỗ, bê tông, trụ gạch cần được trồng cây che bóng lâu dài. Cây keo dậu được trồng với khoảng cách 6 x 12m, trồng sát vào vị trí trụ trong vườn tiêu để vừa là trụ cho tiêu leo vừa là cây che bóng.
- Các vườn tiêu đã trồng trên trụ chết như trụ gỗ, trụ đúc, trụ gạch mà chưa có cây che bóng cần phải được trồng bổ sung cây keo dậu với mật độ 120 – 150 cây/ha.
- Tiêu trồng với cây trụ sống đã có bóng mát. Chú ý rong tỉa hợp lý cây trụ sống và cây bóng mát.
Next
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Hồ Tiêu Chư Sê © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top